VAI TRÒ, VỊ THẾ NGƯỜI THẦY TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC

Lượt xem:

Đọc bài viết

Người thầy trong bất kỳ thời đại lịch sử nào luôn có vai trò, vị thế hết sức quan trọng. Từ xưa đến nay vai trò, vị thế đó không hề thay đổi. Người thầy giỏi thường có khả năng ảnh hưởng nhân cách của mình một cách toàn diện đến học trò, đánh thức tiềm năng, bồi dưỡng tri thức cho học trò bằng tình yêu nghề nghiệp và tính nhẫn nại, bền bỉ, tâm sáng trong.

Người thầy đầu tiên của vùng đất Nam Bộ, thầy giáo Võ Trường Toản đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của những người làm nghề dạy học, đó là đạo lý “Lương sư, hưng quốc”, Quốc gia có những người thầy giỏi và có một nền giáo dục tốt, thì sẽ hưng thịnh. “Lương sư, hưng quốc” vừa nhắc nhở trọng trách của người thầy, vừa ngợi ca những người thầy có tầm, có tâm, nhân cách sáng ngời. Vinh danh công lao của nhà giáo chính là bày tỏ lòng tri ân đối với những người làm nghề dạy học, thể hiện niềm tôn quý đối với truyền thống giáo dục, truyền thống văn hoá dân tộc. Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam thời kỳ nào cũng có những người thầy giáo giỏi, đào tạo nên những bậc hiền tài giúp ích cho đất nước.

“Vạn thế sư biểu” – thầy giáo Chu Văn An, ông từng được vua mời làm làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ, các thái tử trong triều, những đứa trẻ gánh vác trọng trách đất nước trong tương lai. Thầy giáo Chu Văn An đã từng đỗ Thái học sinh (tương đương học vị Tiến sĩ)  nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam, ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hộ. Thầy giáo Chu Văn An đã cống hiến và dành trọn cuộc đời mình cho giáo dục. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Học trò của ông đỗ đạt cao, trở thành những đại quan như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Phẩm chất thanh cao, tài năng lỗi lạc, nhân cách sáng ngời của ông ảnh hưởng sâu sắc đến học trò. Những quan đại thần – học trò của ông luôn giản dị và cung kính, mỗi khi đáo gia thăm thầy cũ, lúc này thầy đã là ông giáo làng ẩn dật, nét đẹp đó đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta “tôn sư trọng đạo

Thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm – “Bạch vân Cư sĩ”,  là một trong những nhà giáo vĩ đại có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam. Ông là một nhà đạo đức, nhà thơ lớn. Xét một cách toàn diện lịch sử Việt Nam thế kỷ 16, nhiều người đã gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Cây đại thụ văn hóa dân tộc”, hay nói theo cách khác, ông đã được xem là đại diện tiêu biểu nhất của lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam trong thế kỷ nhiều biến động lớn này. Sự nghiệp trồng người của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang lại cho đất nước và thế hệ sau những người học trò giỏi giang, hiển đạt như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh,…Về sau các môn sinh ngoài tên hiệu còn tôn Ông là “Tuyết Giang phu tử”, dân gian quen gọi Ông là Trạng Trình.

Thầy giáo Lê Quý Đôn là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ, và được mệnh danh là “nhà bác học lớn củaViệt Nam trong thời phong kiến”. Qua bàn tay dạy dỗ với những bài học về kiến thức, đạo đức làm người, học trò của ông có rất nhiều người đã thành tài và giữ chức vụ quan lớn trong triều đình như Bùi Huy Bích, Bùi Bích Tựu…

Vào thế kỷ 18, các tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy qua hàng ngàn năm, đạt  tới giai đoạn súc tích, cần phải có sự hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những bộ óc bách khoa, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người “tập đại hành” mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 của nước ta đều được bao quát vào trong các tác phẩm của ông. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó. Với những trang sách quí giá này, Lê Quý Đôn không những là người thầy giáo vĩ đại của những người sống tại thời điểm đó, mà ông là thầy giáo của chúng ta, thế hệ tương lai, là thầy của cả dân tộc.

Trong thế kỷ 20 có nhiều nhà giáo lỗi lạc như: Đặng Thai Mai, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Ngọc Ký, thầy giáo Võ Nguyên Giáp – thiên tài quân sự của Việt Nam và thế giới, trong đó phải nói đến người thầy giáo vĩ đại nhất, thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, Người đã chỉ ra sự phát triển của giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy, Người từng nói “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Sau Cách mạng tháng Tám, trước bộn bề khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ba loại giặc cần phải loại bỏ: Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Vì lẽ đó, mà Người rất mực quan tâm đến giáo dục bởi “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Để thực hiện thành công sự nghiệp “Trồng người” thì vai trò của thầy cô giáo là vô cùng quan trọng. Người khẳng định: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn coi trọng giáo dục và đào tạo, coi đây là “quốc sách hàng đầu”, là chìa khoá để hội nhập và phát triển. Giáo dục, đào tạo và người hoạt động trong lĩnh vực này được xã hội tôn vinh, coi trọng với quan điểm “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt” .

Nhà giáo trong xã hội hiện đại là những người thầy được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực chuyên môn, không vì thế mà vị thế, vai trò của nhà giáo bị mất đi, đạo nghĩa thầy trò bị ảnh hưởng. Ngày nay, cả xã hội quan tâm đến giáo dục. Bên cạnh những chủ trương, chính sách lớn Đảng, Nhà nước thì vấn đề người dạy luôn được đề cập đến khi người ta nhắc đến giáo dục. Đó là minh chứng cho vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội hiện đại. Trong quá trình phát triển đi lên của sự nghiệp giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy nói chung và mỗi cá nhân nhà giáo nói riêng.

Vì sao xã hội suy tôn người thầy? Là bởi trọng sự học, trọng lễ nghĩa. Sự học chính là nền tảng của sự phát triển. Lễ nghĩa là kỷ cương. Có quốc gia nào coi thường học và lễ mà hưng thịnh..? Có đất nước nào phát triển nhanh và vững bền mà không dựa trên nền tảng giáo dục tiên tiến và pháp luật văn minh

Giữa bao lo toan thường nhật, đội ngũ nhà giáo của cả nước nhìn chung vẫn yêu nghề và tận tâm cống hiến. Thật cảm phục những thầy cô giáo không quản khó nhọc xung phong về vùng cao, vùng xa để mang cái chữ đến cho trẻ em nghèo, vừa dạy học vừa tham gia sản xuất. Những đợt thiên tai vừa qua ở miền Trung, rất nhiều người thầy đã xả thân cứu người. Họ tạm quên đi việc riêng tư để dành hết thời gian và tâm sức cho nghề, cho học trò. Thật đáng quý biết bao!

Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong xã hội. Xưa đã vậy và nay cũng thế, cho nên truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn mãi tuôn chảy. Đáp lại sự tôn kính của xã hội, về phía người thầy cũng phải luôn trau dồi cả tài và tâm. Có nhiều người thầy xuất sắc chắc chắn sẽ đào tạo được nhiều thế hệ giỏi giang. Đất nước, dân tộc “sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không” có phần đóng góp quan trọng của người thầy, như lịch sử đã đúc kết qua lời thầy giáo Võ Trường Toản “Lương sư, hưng quốc

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ nhà giáo, để nêu rõ ví thế, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; để các thế hệ học sinh tri ân người đã dạy dỗ mình, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó,  ngày 20/11 cũng là ngày hội của giáo giới Việt Nam và cũng là ngày mà toàn xã hội dành cho các thầy giáo, cô giáo sự quan tâm sâu sắc.

  1. Tác giả: Lê Văn Tiến
  2. Giáo viên trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm