NGÔI TRƯỜNG NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU NGHỀ NGHIỆP CỦA TÔI

Lượt xem:

Đọc bài viết

Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng có những phút giây bồi hồi xúc động khi nhớ về nhũng kỉ niệm xưa, nhớ về nơi mình đã gắn bó. Với tôi cũng không là ngoại lệ, thời gian hơn 25 năm công tác ở ngôi trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là quãng thời gian ghi lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời làm nghề dạy học của mình. Những thăng trầm trong cuộc sống cùng niềm vui nghề nghiệp đã giúp tôi trưởng thành, tất cả thật đáng trân quý, tôi luôn tự hào về ngôi trường thân yêu này.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Triệu Phong, Quảng Trị nơi hứng chịu nhiều thương tích của lửa đạn chiến tranh, người dân ở đó rất kiên trung, anh dũng trong chiến đấu, kiên cường trong lao động và giàu truyền thống hiếu học. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ngành Toán học, trên hành trình tự thân lập nghiệp, duyên kỳ ngộ đã đưa tôi đến với vùng đất Tây nguyên – Krông Pắc, nơi ấy có một ngôi trường mà tôi đã gắn bó trọn cả tuổi thanh xuân của mình cùng với nghề dạy học cho đến hôm nay, đó là ngôi trường Phổ thông cấp 3 Krông Pắc tiền thân của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay.

Tôi nhớ lại, vào một ngày cuối thu của năm 1996, tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk tuyển dụng, phân công đến nhận công tác tại trường Phổ thông cấp 3 Krông Pắc. Lúc nhận quyết định tại phòng tổ chức cán bộ của Sở giáo dục và Đào tạo, cơ sở của Sở giáo dục thời đó là một dãy nhà cấp bốn, thầy Giám đốc sở lúc ấy là thầy Hà Ngọc Đào, thầy dặn dò tôi: “Em là một giáo viên trẻ, hãy cố gắng trau dồi chuyên môn để trở thành giáo viên giỏi, sau này mới có khả năng giúp đờ các giáo viên mới vào ngành”, lời dặn dò thân tình ấy như là niềm động viên, khích lệ trong tôi. Sau khi nhận được quyết định, tôi dọc theo Quốc lộ 26 về đến huyện Krông Pắc, vào trường trình diện thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Thanh, phòng làm việc của thầy hiệu trưởng nằm trong dãy nhà hiệu bộ cấp 4, trước dãy nhà hiệu bộ, ở phía trên trang trí dòng chữ “Lương sư, hưng quốc” màu đỏ trên nền vôi vàng của màu sơn nhà, dòng chữ ấy, cùng lời căn dặn của thầy Hà Ngọc Đào đã tạo nên trong tôi niềm cảm xúc ban đầu thật mạnh mẽ và tươi sáng. Khát vọng trong tôi về hình ảnh người thầy “vừa có tầm, vừa có tâm và có nhân cách sáng ngời”

Hình những ngày đầu về công tác tại trường năm 1996

 Những ngày đầu về công tác tôi được tiếp xúc với đội ngũ nhà giáo giàu năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, mẫu mực trong lối sống, những thầy cô ấy nay đã nghỉ hưu và có người đã quá cố. Lúc ấy tôi thật sự vui mừng và nhưng cũng không kém phần lo lắng bởi vì với năng lực chuyên môn còn non trẻ của mình không biết có đáp ứng được nhu cầu dạy học và giáo dục của nhà trường hay không…?  Nhưng qua thời gian, được sự giúp đỡ của tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường và những thầy cô đi trước, đặc biệt sự ham học của các em học sinh đã tạo nên trong tôi niềm tin, tình yêu nghề nghiệp những lo lắng ban đầu của tôi dần dần được giải tỏa. Mỗi giờ lên lớp thực sự là một niềm vui trong tôi.

                                          

Hình học sinh lớp chủ nhiệm năm 1997

Hơn 25 năm gắn trọn cả một thời tươi trẻ say mê với nghề dạy học dưới mái trường thân yêu, cùng với đó trải qua nhiều thế hệ nhà giáo, dù ở cương vị nào thì đội ngũ nhà giáo, cán bộ giáo viên nhân viên của nhà trường luôn luôn gắn tinh thần trách nhiệm của mình vào nhiệm vụ được giao. Tôi luôn luôn ghi nhớ và biết ơn những người thầy, cô giáo và những đồng nghiệp đi trước đã giúp đỡ và dẫn dắt tôi ngày một trưởng trong cuộc sống và vững vàng trong chuyên môn, những giờ sinh hoạt chuyên môn luôn luôn sôi nổi, vì yêu cầu cao của một tiết dạy có những lúc tranh luận một nội dung kiến thức chiếm mất rất nhiều thời gian, càng ngày tôi càng ý thức được rằng muốn trở thành giáo viên giỏi, bản thân cần phải lảm chủ được chuyên môn của mình, từ đó tôi không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng dạy học để hoàn thiện bản thân. Nhớ về các nhân viên của nhà trường đặc biệt là các bác bảo vệ và các chị lao công, những người thầm lặng, cần mẫn với công việc thường ngày của mình, ít ai để ý nhưng lại có một ý nghĩa rất lớn tạo ra môi trường vệ sinh sạch sẽ cho những giờ học được tốt hơn. Tôi học hỏi ở các bác bảo vệ, các chị lao công đức tính chịu thương, chịu khó hoàn thành công việc.

Kỷ niệm về học sinh thân yêu dưới mái trường, luôn là những kỷ niệm thân thương không thể phai mờ, những lần dạy bồi dưỡng học sinh giỏi với những bài toán khó có những học sinh trình bày niều cách giải hay, sáng tạo là cho tôi phải suy nghĩ, niềm vui khi các em đạt giải cao nhưng cũng có những luyến tiếc, những giọt nước mặt đọng lại của các em khi không đạt giải . Những lần tiếp xúc giúp đỡ học sinh vì điều kiện khách quan nó đó, còn chểnh mảng trong học tập cũng như chấp hành nội quy là một lần giúp tôi có kỹ năng hơn trong giao tiếp với học sinh, từ đó giúp tôi có biện pháp giáo dục các em tốt hơn. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần sự động viên chia sẻ từ phía thầy cô, nên tôi thường cùng ban cán sự lớp của mình chủ nhiệm vào những ngày chủ nhật đến tận các xã Ea Hiu, Ea Uy, Ea Yiêng…thăm hỏi và động viên các em cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập. Học trò của nhà trường nhiều em trưởng thành, công tác trên nhiều lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Đất nước, đặc biệt có nhiều em đã tiếp nối các thế hệ thầy cô giáo của mình, về công tác tại ngôi trường nơi các em đã học tập thời THPT, tôi tự hào và vui mừng  khi nhìn thấy các em ngày một trưởng thành, trở thành những người thầy, người cô tâm huyết với nghề, coi việc giảng dạy, giúp đỡ học sinh vượt khó vươn lên trong học tập trách nhiệm và niềm vinh dự của người thầy. Tôi thật hạnh phúc khi cùng các em hàng ngày miệt mài dưới mái trường này để thắp sáng thêm ngọn lửa niềm tin, chắp cánh cho các thế hệ học sinh trên vùng đất Krông Pắc có thêm kiến thức, tự tin và vững bước vào đời.

Hình tổ chuyên môn năm 2022

Tôi tự hào khi mình là một giáo viên được góp sức lực nhỏ bé của mình cho sự nghiệp trồng người nói chung, sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà nói riêng và đặc biệt là sự phát triển ngày càng đi lên của ngôi trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghề dạy học ở ngôi trường này đã đem đến cho tôi niềm vui, cuộc sống hạnh phúc. Tôi thầm cảm ơn nghề của mình, nhờ nghề mà tôi mới có điều kiện gieo hạt giống tri thức vào tâm hồn tươi sáng của con trẻ để các em sau này thực sự trở thành người chủ tương lai của quê hương đất nước.

Tác giả: Lê Văn Tiến

Giáo viên trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm