Chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”
Lượt xem:
Sáng ngày 09/10/2018, tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã diễn ra chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở GD-ĐT Đắk Lắk với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) phối hợp tổ chức. Về phía Nhà trường có BGH, toàn thể thầy, cô giáo và 1316 em học sinh của cả 3 khối lớp 12, 11, 10 tham dự.
Mở đầu chương trình, đại diện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thông tin, hàng năm có khoảng 75% học sinh vào ĐH-CĐ, còn lại 25% đi làm công nhân ở nhà máy, xí nghiệp hoặc làm kinh tế tại gia đình… Cũng theo thầy giáo đến từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết từ tháng 7-2017, các trường TC-CĐ nghề chịu sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH và cách xét tuyển ĐH-CĐ cũng khác nhau. Dù xét tuyển thế nào thì tổng chỉ tiêu xét tuyển vào TC-CĐ-ĐH đủ cho học sinh có nhu cầu học tiếp sau THPT.
Đề cập đến phương thức xét tuyển, thầy cho hay đến thời điểm này có 5 phương thức xét tuyển luôn rộng mở được các trường ĐH-CĐ áp dụng, gồm: Tuyển thẳng học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, các kỳ thi khoa học kỹ thuật hoặc kỳ thi Olympic quốc tế (cả nước có khoảng 2.000 học sinh/năm); ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên hoặc học sinh thuộc các trường top 100 trong kỳ thi THPT quốc gia; xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia; xét tuyển theo điểm học bạ THPT (điểm trung bình năm lớp 12; điểm trung bình năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 hoặc một số môn…); một số trường tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (hầu hết các trường thuộc ĐHQG TP.HCM).
Tại buổi tư vấn, nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn về việc chọn nghề sao cho phù hợp với bản thân? Giải đáp thắc mắc của các em, TS.BS. Vũ Thiện Toàn (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) gợi ý: Nếu các em chọn nghề có thu nhập cao, nghề được nhiều người quan tâm nhưng bản thân mình không thích thì khó thành công. Điều này có thể khiến các em phải bỏ học giữa chừng vì chán nản, không theo kịp chương trình học. Nếu các em may mắn hoàn thành chương trình học, cầm tấm bằng trong tay thì cũng không thể trụ lâu dài với công việc. “Chọn nghề theo nhu cầu xã hội, sở thích, đam mê thôi chưa đủ mà còn xem xét ở khả năng tài chính của gia đình”, chuyên gia tâm lý, giáo dục, sức khỏe khuyên.
Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản và tiềm năng phát triển du lịch.
Các ngành nghề thu hút nhiều lao động:
1. Công nghệ nông – lâm – thủy sản, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, chăn nuôi, thú y, sinh vật cảnh, nuôi trồng, chế biến thủy sản, công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản;
2. Xây dựng, thiết kế, sản xuất vật liệu xây dựng;
3. Công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, chế biến thực phẩm;
4. Công nghệ thông tin, điện – điện tử, cơ khí, nhiệt lạnh, dệt – may (thiết kế thời trang);
5. Du lịch, quản trị lữ hành – quản trị nhà hàng – khách sạn, dịch vụ ăn uống;
6. Chăm sóc sức khỏe, công nghệ dưỡng sinh, truyền thông, sư phạm kỹ thuật;
7. Kinh tế – tài chính – quản trị kinh doanh – marketing- bán hàng, quản trị doanh nghiệp;
8. Khoa học xã hội (ngoại ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung…);
9. Ngành nghề truyền thông, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông lâm nghiệp.
Hơn hai giờ tư vấn chương trình đã trang bị cho học sinh những kỹ năng tiếp cận, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân cũng như giới thiệu cho các em những hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT và các ngành nghề đào tạo ở các trường từ trung cấp đến ĐH. Thông tin đến học sinh về phương thức tổ chức và các quy định chung của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Cung cấp cho học sinh một số dự báo về nhu cầu nhân lực, một số kỹ năng, phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp để tự tin chuẩn bị cho con đường lập nghiệp.
Kết thúc chương trình thầy Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cảm ơn Ban tư vấn cũng như đơn vị tổ chức đã có những chia sẻ về việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh của Nhà trường và mong rằng chương trình sẽ tiếp tục đồng hành không những với học sinh của Nhà trường mà với tất cả học sinh trên toàn quốc.
Một số hình ảnh trong chương trình
Học sinh tìm hiểu các kiến thức và thông tin để lựa chọn ngành nghề cho tương lai
Lê Trọng Trường – TKHĐ